Tuyệt chiêu bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ

Trong những năm đầu đời, hệ tiêu hoá của con được ví như “bộ máy trung tâm” cung cấp dưỡng chất cho mọi hoạt động và giúp trẻ lớn khỏe mỗi ngày. Việc bảo vệ hệ tiêu hoá là tiền đề quan trọng giúp trẻ cải thiện biếng ăn, hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện sau này. Vậy, mẹ đã biết bí quyết bảo vệ hệ tiêu hoá của con chưa?

Bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ như thế nào?

Hạn chế thực phẩm khó tiêu và gây dị ứng

Hệ tiêu hóa của bé còn non yếu nên rất cần sự nâng niu từ mẹ. Khi cho ăn bất kỳ món gì mới, mẹ cũng nên bắt đầu từ lượng thật ít để làm quen, sau đó mới tăng dần. Mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều loại thức ăn khác nhau trong cùng ngày vì nếu tình trạng dị ứng xảy ra, mẹ sẽ không xác định được bé “có vấn đề” với loại thực phẩm nào.

Hạn chế cho bé ăn các loại hải sản, thực phẩm nguyên hạt, nhiều đạm, tinh bột… quá sớm. Việc này sẽ không giúp bé cứng cáp mà ngược lại làm hệ tiêu hóa bị “quá tải” và dẫn đến rối loạn.

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ

Cơ thể rất cần chất xơ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Một khi bị thiếu chất xơ trong chế độ dinh dưỡng, bé rất dễ bị táo bón. Những thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp thức ăn di chuyển dễ dàng qua đường tiêu hóa, giúp hạn chế chứng táo bón, ngăn ngừa và điều trị hiệu quả các chứng tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu… cân bằng nguồn dinh dưỡng cho bé. Hơn nữa, thực phẩm giàu chất xơ có khả năng giữ và thanh lọc thức ăn trong hệ tiêu hóa, tách lấy năng lượng và dinh dưỡng, đẩy các chất thải còn lại ra bên ngoài.

Vì thế, mẹ nên bổ sung vào bữa ăn của bé một số loại thực phẩm giàu chất xơ như: táo, đu đủ, bí ngô, chất xơ từ ngũ cốc, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, đậu, đậu Hà Lan,…

Khi bé được 6 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu tập cho bé ăn trái cây tươi bằng cách ép lấy nước cho trẻ ăn từng giọt, có thể tăng lên 1 – 3 thìa cà phê/ ngày. Khi bé quen, hoặc tập cho trẻ ăn chuối nạo, đu đủ được nghiền nát. Mẹ cũng có thể cho bé ăn “kèm” trái cây vào món ăn để tăng thêm dưỡng chất.

Tăng cường thực phẩm tốt cho hệ tiêu hoá

Gừng hỗ trợ cho tiêu hóa cho bé bằng cách giúp di chuyển thức ăn nhanh từ dạ dày xuống ruột non. Thỉnh thoảng gừng cũng được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để điều trị các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi và hội chứng ruột kích thích. Khi con bị đầy hơi, tiêu chảy, mẹ có thể cho bé ngậm gừng hoặc pha nước gừng để giúp bé nhanh hết triệu chứng khó chịu.

Một loại thực phẩm khác cũng rất tốt cho hệ tiêu hoá của bé là sữa chua và các chế phẩm từ sữa. Sữa chua giúp bé tiêu hóa tốt hơn là nhờ lượng lợi khuẩn probiotics có trong sữa. Chất này có tác dụng bảo vệ hệ tiêu hóa, giúp trẻ hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng. Mẹ cũng có thể bổ sung sữa, đậu nành và các chế phẩm của chúng, vừa giúp bé cưng bảo vệ hệ tiêu hóa vừa tăng cường hoạt động hệ thần kinh.

Cho bé uống đủ nước

Nước rất cần thiết cho cơ thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng của bé. Nhắc nhở và tạo thói quen uống nước đều đặn hàng ngày và thường xuyên cũng là một cách hữu hiệu để cải thiện hệ tiêu hóa. Vì nước làm thức ăn loãng ra, dễ di chuyển trong hệ tiêu hóa.

Chế biến đúng cách thức ăn cho bé

Thực phẩm bị nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh hay chế biến không đúng cách rất dễ làm trẻ bị tiêu chảy… Vì vậy, mẹ cũng nên hết sức lưu ý đến vấn đề vệ sinh, chế biến đúng cách thức ăn cho bé.

Khi chế biến, mẹ nên chọn nguyên liệu sạch, an toàn, tươi ngon, cần chế biến ngay. Cho bé ăn dứt điểm từng bữa, hạn chế tình trạng hâm nhiều lần. Không chỉ dễ làm hao hụt chất dinh dưỡng trong món ăn, hâm đi hâm lại nhiều lần thỉnh thoảng còn có thể gây ảnh hưởng xấu cho hệ tiêu hoá còn non nớt của bé con.

Thận trọng khi hâm bằng lò vi sóng vì lượng nhiệt có thể phân bổ không đều. Nấu mềm và nghiền nhuyễn nguyên liệu thay vì hầm lấy nước.

Trong những năm đầu đời, hệ tiêu hoá có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về trí não và thể chất của bé. Để tạo đà cho bé phát triển vượt trội, mẹ nhớ ghi lại những lưu ý bảo vệ hệ tiêu hoá trên đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *