Xây dựng thực đơn cho người bệnh tim

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, được mệnh danh là “kẻ sát nhân thầm lặng” vì diễn tiến âm thầm nhưng để lại hậu quả vô cùng lớn cho sức khỏe. Một chế độ ăn không đúng cách có thể là nguyên nhân gây nặng thêm cho bệnh tim.

1. Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bệnh tim
1.1. Kiểm soát lượng thức ăn nạp vào
Lượng thức ăn bạn nạp vào bao nhiêu cũng quan trọng như việc bạn ăn gì. Việc chất đầy thức ăn trên đĩa khiến bạn thường có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường, dẫn tới lượng calo nạp vào quá mức mà cơ thể thực sự cần

Để kiểm soát tình trạng này, bạn nên chia khẩu phần ăn của mình vào các đĩa, bát nhỏ. Trong đó chia ra phần lớn hơn dành cho những thức ăn chứa ít calo, giàu chất dinh dưỡng như trái cây, rau củ quả; phần nhỏ hơn dành cho thực phẩm giàu calo, nhiều muối như thực phẩm đã qua tinh chế, chế biến sẵn hay thức ăn nhanh. Cách làm này có thể giúp bạn kiểm soát và định hướng chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch.

1.2. Ăn nhiều rau và trái cây

Rau và trái cây là những nguồn thực phẩm cung cấp lượng vitamin và khoáng chất dồi dào. Chúng giàu chất xơ và đặc biệt chứa ít calo. Ăn nhiều rau, trái cây sẽ giúp chúng ta cắt giảm khẩu phần dành cho những thực phẩm có calo cao hơn như thịt, phô mai hay thức ăn nhanh.

Nên chọn công thức nấu ăn có rau hoặc trái cây làm nguyên liệu chính, chẳng hạn như rau xào hay trái cây trộn salad rau. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý rằng không phải cứ miễn là rau củ quả thì dù chế biến theo cách nào cũng tốt cho sức khỏe tim mạch. Bạn có thể tham khảo những lưu ý sau để chọn loại rau củ quả cũng như cách chế biến chúng tốt nhất:

Trái cây và rau quả nên chọn:

  • Rau quả phải tươi hoặc được để đông lạnh;
  • Nếu là rau đóng gói hoặc chế biến sẵn thì phải chứa ít muối;
  • Nếu là trái cây đóng hộp thì phải được chứa trong nước hoặc nước ép trái cây, không thêm đường hoặc các chất phụ gia khác.

Trái cây và rau quả nên hạn chế:

  • Rau trộn với nước sốt kem;
  • Rau xào hoặc tẩm bột chiên;
  • Trái cây đóng gói trong nước siro nhiều đường;
  • Trái cây đông lạnh có thêm đường.

1.3. Chọn ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt là nguồn chứa chất xơ dồi dào cùng nhiều chất dinh dưỡng khác có lợi cho việc điều hòa huyết áp nói riêng và sức khỏe tim mạch nói chung. Bạn có thể tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong thực đơn cho người bệnh tim bằng cách dùng chúng để thay thế cho ngũ cốc đã qua tinh chế

Các sản phẩm ngũ cốc nên chọn:

  • Bột mì nguyên cám;
  • Bánh mì nguyên hạt, tốt nhất là nguyên cám 100%;
  • Ngũ cốc chứa nhiều chất xơ (từ 5g trở lên/khẩu phần);
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mạch và kiều mạch;
  • Mì ống nguyên chất;
  • Bột yến mạch.

1.4. Hạn chế chất béo không lành mạnh
Hạn chế lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong khẩu phần ăn là một bước quan trọng để giảm cholesterol trong máu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

Bạn có thể giảm lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống bằng cách chọn thịt nạc có ít hơn 10% chất béo; dùng bơ, bơ thực vật với lượng ít cho vào món ăn trong khi nấu hoặc chế biến.

Sử dụng chất ít béo để thay thế cho chất béo bất cứ khi nào có thể, ví dụ chấm khoai tây nướng với salsa (một loại sốt của Mexico làm từ cà chua) hoặc sữa chua ít béo thay vì chấm cùng bơ; sử dụng trái cây tươi cắt lát hoặc trái cây chế biến ít đường phết lên bánh mì thay cho bơ thực vật.

Chất béo nên sử dụng là loại chất béo không bão hòa đơn như dầu oliu hoặc dầu hạt cải. Ngoài ra chất béo không bão hòa đa – được tìm thấy trong một số loại cá, bơ, hạt – cũng là những lựa chọn tốt cho người bệnh tim. Hai loại chất béo này khi được thay thế cho chất béo bão hòa có thể giúp giảm tổng lượng cholesterol trong máu, tuy nhiên cần dùng điều độ bởi tất cả các loại chất béo đều có lượng calo cao.

1.5. Chọn nguồn protein ít béo
Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa ít béo là những nguồn thực phẩm bổ sung protein ít béo tốt nhất bạn nên chọn. Nhưng cần lựa chọn cẩn thận để đảm bảo lượng chất béo trong chúng là thấp nhất, ví dụ chọn sữa tách kem thay vì sữa nguyên chất, chọn ức gà không da thay vì có da,…

Một số loại cá rất giàu axit béo omega-3 có thể làm giảm triglyceride – một chỉ số trong mỡ máu. Lượng axit béo omega-3 cao nhất có trong các loại cá sống ở nước lạnh, ví dụ cá hồi, cá thu hay cá trích; trong một số nguồn khác như hạt lanh, quả óc chó, đậu nành, dầu hạt cải.

Các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu lăng cũng là những thực phẩm giàu protein, chứa ít chất béo và không có cholesterol, là lựa chọn để thay thế cho thịt rất tốt. Việc dùng protein thực vật thay protein động vật sẽ giúp giảm lượng chất béo và cholesterol, tăng cường chất xơ cho cơ thể, tốt cho người bệnh tim.

1.6. Giảm muối trong khẩu phần ăn
Ăn nhiều muối có thể góp phần gây bệnh tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Do vậy cắt giảm muối là một phần quan trọng cần chú ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh tim.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị:

Người trưởng thành khỏe mạnh nên nạp vào không quá 2.300mg muối mỗi ngày (tương đương 1 muỗng cà phê muối);
Lượng muối lý tưởng cần nạp vào ở người trưởng thành là dưới 1.500mg mỗi ngày.
Giảm lượng muối bạn thêm vào thức ăn khi chế biến là đúng nhưng chưa đủ, bởi phần lớn lượng muối nạp vào cơ thể đến từ thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn như súp, đồ nướng,… Hãy khắc phục bằng cách ăn thực phẩm tươi, tự nấu súp và món hầm để cắt giảm muối hiệu quả nhất.

Nếu buộc phải dùng đồ ăn đóng hộp và chế biến sẵn, hãy chọn ăn những món có lượng muối ít. Cảnh giác với những thực phẩm trông có vẻ là ít muối, vì chúng được nêm bằng muối biển thay vì muối thông thường, mà 2 loại muối này tương đương nhau về giá trị dinh dưỡng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *